[Book Review] Phía nam biên giới, phía tây mặt trời
Sách: Phía nam biên giới, phía tây mặt trời
Tác giả: Haruki Murakami
Reviewer: Lucy.
Mình đọc “Phía nam biên giới, phía tây mặt trời” vào tháng 2 năm 2018. Và bây giờ - sau hơn một năm, nội dung của cuốn sách vẫn còn đủ “sức nặng” ám ảnh tâm trí mình. Nói một cách chính xác thì mình cũng không chắc lắm về những gì đã đọc hay những điều rút ra từ câu chuyện, nhưng mình vẫn nhớ nguyên vẹn cái cảm giác bức bối, mông lung và buồn miên man khi gấp lại trang cuối cùng của cuốn sách. Mất một thời gian khá dài mình không-đọc-thêm-một-cuốn-sách-nào-khác sau đó chỉ để suy nghĩ về tác phẩm và cân bằng lại cảm xúc của chính mình.
Nhân vật chính trong “Phía nam biên giới, phía tây mặt trời” là Hajime - 37 tuổi, có một cuộc sống lý tưởng mà nhiều người mong ước. Từ gia đình đến sự nghiệp của anh đều là những mảnh ghép hoàn hảo. Nhưng người ta hay nói “ở trong chăn mới biết chăn có rận”, cuộc sống mà nhiều người cho rằng lý tưởng ấy lại là vòng lặp đều đặn nhàm chán với Hajime, khiến anh cứ loay hoay tìm kiếm mảnh khuyết trong tâm hồn mình. Để nói về cuộc đời của Hajime, có lẽ nên chia thành 3 giai đoạn, gắn với 3 người phụ nữ.
1. Shimamoto-san - mối tình đầu thơ ngây và ám ảnh
Gặp nhau năm 12 tuổi, bắt đầu với những đồng cảm về “con một”, Hajime luôn có những cảm xúc khác lạ với Shimamoto-san. Đối với anh, cô chính là mảnh ghép hoàn chỉnh, cũng chính là tình yêu ám ảnh, đến nỗi trong suốt phần đời còn lại, dù hôn Izumi hay cưới Yukiko, anh vẫn mang trong mình những khắc khoải về Shimamoto-san. Năm 37 tuổi, Hajime có 1 cuộc sống lý tưởng: gia đình hạnh phúc, nhà, xe và quán bar nhạc jazz nổi tiếng, nhưng trong anh vẫn luôn tồn tại phức cảm về sự “thiếu thốn”. Cũng chính lúc ấy, sự xuất hiện của Shimamoto-san đã làm đảo lộn mọi thứ. Không chỉ đơn thuần là nỗi nhớ mong về mối tình đầu như người ta thường nói, với Shimamoto-san, anh thậm chí còn muốn vứt bỏ hết tất cả để chạy theo tình yêu sâu đậm đầy ám ảnh mà anh đã dành cho cô ngay từ những ngày thơ bé.
Đọc đến đây, có lẽ bạn sẽ dễ hình dung về hình ảnh của một người đàn ông khi họ trong một mối quan hệ “không chính thống”, hay lý giải vì sao họ có thể vứt bỏ hết tất cả, gia đình, sự nghiệp, thậm chí là cả tương lai để chạy theo tình yêu. Với xã hội của chúng ta, đây có thể là hành động phi lý trí hay thật đáng trách. Nhưng trong tác phẩm này, đó lại là điều hoàn toàn có thể hiểu được và lẽ-ra-là-như-vậy đối với Hajime. Shimamoto-san, cũng như những thứ quý giá hay phù phiếm trong đời, dù ta có yêu thương, trân quý hay sẵn sàng đánh đổi mọi thứ thì vẫn không thể nào có được.
Có một điều đến tận bây giờ mình vẫn không hiểu, Shimamoto-san mà Hajime gặp lại năm 37 tuổi ấy là thực tế hay ảo ảnh? Sự tồn tại của cô trong câu chuyện luôn rất mong manh và hư ảo. Suốt cả tác phẩm không có lời nào kể về cuộc sống hiện tại, hay tương lai sau này của cô. Cô xuất hiện một cách đột ngột, gặp gỡ Hajime theo những quy tắc khó hiểu, sau đó lại biến mất vô cùng bí ẩn.
Hajime x Shimamoto by Shia-chan on DeviantArt
https://www.deviantart.com/shia-chan/art/Hajime-x-Shimamoto-24660613
2. Izumi – nhân vật đại diện cho những mối nhân duyên “đúng người nhưng sai thời điểm”
Izumi là cô gái đáng yêu, chân thành, hiền lành và xứng đáng có được những điều tuyệt vời. Nhưng cô gặp Hajime vào những năm cấp 3 - khi những tò mò và ham muốn nhục dục biến anh thành một gã tồi ích kỉ, khiến cô tổn thương sâu sắc. Rất lâu sau những năm tháng trẻ dại ấy, Hajime đã gặp lại cô – cô gái với đôi mắt trống rỗng và vô hồn. Không ai biết được những gì đã xảy đến với cô trong quá trình trưởng thành, những điều đã biến cô thành một người khác. Nhưng Hajime hẳn là một trong những nguyên nhân ấy. Phải chăng Izumi là đại diện cho cái mà người ta thường nói “đúng người, sai thời điểm”? Nhân vật Izumi khiến mình nghĩ nhiều hơn đến những chấn thương tâm lí mà người ta gặp phải trong đời. Chúng ta thường coi trọng những vết thương ngoài da, nhưng lại tảng lờ những vết thương của tâm hồn và cảm xúc. Những tổn thương tình cảm thuở thiếu thời đủ sức huỷ hoại những mộng mơ, hay thậm chí là cả tương lai của một cô gái.
3. Yukiko – cuộc gặp gỡ “đúng người, đúng thời điểm”
Đối với Hajime, Yukiko có lẽ là cô gái “đúng người, đúng thời điểm”. Cô có thể khoả lấp nỗi cô đơn của anh, thấu hiểu tâm hồn anh, mang lại cho anh một gia đình êm ấm và sự nghiệp rộng mở. Không chỉ vậy, khi anh điên cuồng chạy theo tình yêu với Shimamoto-san, cô vẫn là người phía sau chờ đợi và chấp nhận, chào đón anh quay trở về nhà. Đọc những đoạn viết về Yukiko, mình cứ thắc mắc thế này “Hajime có một người vợ tuyệt vời như thế, sao cứ mãi luôn ám ảnh về Shimamoto-san?”. Nhưng cuối cùng mình cũng hiểu ra, chỉ đơn giản thôi, Yukiko không phải là Shimamoto-san. Trong cuộc sống có lẽ bạn sẽ gặp một người như vậy, người mà chỉ cần sự xuất hiện của người ấy, những thứ xung quanh dù tốt đẹp thế nào cũng không thể sánh được. Cuộc hôn nhân của Hajime và Yukiko khiến nhiều người suy nghĩ về hôn nhân trong xã hội thực tại hiện nay. Có lẽ họ đến với nhau vì hợp chứ không hẳn vì yêu. Yukiko, cũng như Hajime, mang trong mình những ám ảnh về một cuộc tình, về một người đàn ông đã từng khiến cô tự tử trước kia. Nhưng không giống Hajime, cô không điên cuồng hướng về người của quá khứ, mà cố gắng vun đắp cho hiện tại và tương lai của cô.
“Phía nam biên giới, phía tây mặt trời” là tác phẩm đầu tiên mình đọc của Haruki Murakami. Cốt truyện vô cùng đơn giản, nhưng lại khiến người ta suy nghĩ về nhiều khía cạnh khác nhau trong mối quan hệ giữa người với người. Cũng như cuộc đời của Hajime, thoạt nhìn có vẻ đơn giản nhưng bên trong lại là một thế giới nội tâm vô cùng phức tạp. Những câu hỏi liên tiếp về ý nghĩa cuộc sống cứ xuất hiện trong tâm trí anh, đồng thời cũng tác động đến tâm trí người đọc, khiến người ta cứ miên man kiếm tìm mảnh ghép khiếm khuyết còn lại. Một bài review về “Phía nam biên giới, phía tây mặt trời” đăng trên news.zing.vn có viết: “Hajime là một kiểu nhân vật đại diện cho thanh niên Nhật Bản thời kỳ ấy. Những kẻ luôn bị ám ảnh, day dứt bởi quá khứ, chết đuối, lạc lối trong hiện tại và cuối cùng bơ vơ, tuyệt vọng khi đứng trước tương lai. Họ sở hữu một lối sống nhàm chán, đều đặn như những vòng lặp, luôn đau đáu tìm kiếm mảnh còn khuyết của mình.”
Đọc xong “Phía nam biên giới, phía tây mặt trời” mình cũng không biết đâu là thực đâu là mơ, cứ như có một màn sương phủ trước mắt, mơ hồ và khó nắm bắt. Những câu hỏi liên tục hiện ra mà không giải đáp được, như trong lời giới thiệu của cuốn sách “những câu trả lời thì qua đi, còn câu hỏi thì ở lại”.
Hồ Chí Minh, ngày 8 tháng 8 năm 2019
Sách có thể được tìm thấy tại các nhà sách lớn và các trang đặt sách online.
Mọi bài viết cộng tác xin gửi về email: bw.sharetoreceive@gmail.com
Xem nhiều hơn tại website https://bwsharetoreceive.wixsite.com/bookworm
Hãy cho "Mọt" biết cảm nhận của bạn bằng cách "bình luận" bên dưới nhé.
Commenti