[Book Review] Ngày xưa có một con BÒ
Sách: Ngày xưa có một con bò
Tác giả: Camilo Cruz, PhD
Nguyễn Hoàng Yến Phương dịch
Reviewer: Lucy.
Có bao giờ bạn cảm thấy muốn thay đổi bản thân? Giảm vài cân cho thon gọn hay thay đổi cách ăn mặc để thoát kiếp FA? Thế nhưng kết cục của những “kế hoạch” đó là gì?
Tất cả những dự định hay kế hoạch của bạn đều thất bại ngay từ trong trứng nước vì những rào cản mang tên “sức ì”. Tiêu biểu như ông Editor của Bookworm đã giam bài review này cả năm trời mà không hề có ý định mần nó. Cuối cùng mình phải bắt ổng đọc quyển sách này “một lần nữa” thì ổng mới chịu cho đăng. Lý do ông Editor đưa ra không phải là do bận hay lười (:P) mà là do Bookworm có một sự e dè nhất định đối với sách self-help và kĩ năng. Tuy nhiên “Ngày xưa có một con bò” xứng đáng được giới thiệu như là một công cụ giúp ta tìm ra sức ì của bản thân và triệt tiêu nó bằng tư tưởng. Hãy đọc quyển sách này và thử tìm ra xem chúng ta có đang nằm trong vùng an toàn giả tạo hay kìm hãm bản thân không nhé. Nhưng cũng xin nhớ rằng, những quyết định lớn lao liên quan đến sự nghiệp hay cuộc sống cần cân nhắc và lên kế hoạch thật kĩ trước khi “vứt bỏ con bò” đi nhé.
Quay lại với chủ đề hôm nay, chúng ta thử nhận xét xem cuộc sống của chúng ta có đang “nhàm chán” hay không? Mỗi sáng thức dậy, bạn dành cả ngày đi học hoặc đi làm ở 1 nơi nào đó với mức lương vừa đủ chi trả cho cuộc sống. Tối đến, bạn dường như bị cạn kiệt năng lượng khi về đến nhà vả chẳng muốn làm gì khác ngoài việc tắm rửa ăn uống, lướt vài trang mạng xã hội, nghe nhạc hay xem film rồi đi ngủ. Ngày hôm sau, một vòng lặp tương tự lại tiếp diễn và không có sự khác biệt nào xảy ra.
Bạn có còn nhớ hồi bé mình từng mơ ước trở thành người như thế nào không? Có bao giờ bạn mong muốn trở thành một vĩ nhân và có thể giúp ích được cho xã hội không? Nhưng chẳng hiểu vì sao mà cuộc sống vẫn cứ dậm chân tại chỗ và lặp đi lặp lại. Không phải do bạn đang cố đưa ra lý do để bao biện đâu, nhưng đúng là có một thứ nào đó đang trói chặt bạn trong nếp sống và thói quen cũ. Và mỗi khi bạn muốn thay đổi nó, một biến cố nào đó lại xảy ra.
“Trọng tâm vấn đề của sự tầm thường: nó có vẻ khó chịu và cũng có lúc gây đau đớn, nhưng nó chưa bao giờ đủ làm cho ta bực mình để khiến chúng ta phải thay đổi.” (Trích trong sách “Ngày xưa có một con bò”)
Theo như Tiến sĩ Camilo Cruz, tác giả quyển sách này, những rào cản hay sức ì đó không phải là do tác nhân bên ngoài, mà là do chính những định kiến trong tư tưởng của chúng ta. Hãy tạm gọi nó là những “con bò” và bất cứ khi nào chúng ta thốt ra câu nói “tôi muốn…nhưng…” , thì những điều đằng sau chữ “nhưng” ấy rất có thể là một con bò đang ngăn cản bản thân mình đến với những điều tốt đẹp hơn.
“Ngày xưa có một con bò” không phải cuốn sách nghị lực đầu tiên mình đọc, nhưng nó lại cho mình cái nhìn mới mẻ về những con bò đang trói buộc mình trong cuộc sống “bình thường” hiện tại mà chính mình cũng chưa từng nghĩ đến. Nào giờ thì hãy cùng mình xem lại những điểm sau đây nhé.
“Ngày xưa có một con bò” lấy cảm hứng từ một câu chuyện ngụ ngôn đơn giản. Mình sẽ không kể câu chuyện này ra mà muốn các bạn đọc trong sách để có thể cảm nhận được bài học sâu sắc hơn. Tuy nhiên, mình có thể bật mí một chút thông qua hai câu hỏi này:
Bạn sẽ làm gì khi bị người khác chặn mất nguồn sống “duy nhất” của mình? Bạn sẽ bỏ cuộc phó mặc cho đời hay tìm mọi cách để vươn lên?
Nếu như bạn đã có câu trả lời cho riêng mình, chúng ta hãy cùng xem lại những “con bò” trong đời chúng ta có thể là gì nhé:
1. Những lời biện bạch
Hẳn ai trong chúng ta cũng thường có những lời biện minh cho điều chúng ta không thể làm, hoặc đã làm nhưng vẫn thất bại thảm hại. Có đôi khi vấn đề ở người khác thiệt đó, nhưng không phải 100% đều là lỗi của “con nhà người ta”. Thực tế thì tất cả những lý do trên đều chỉ là những con bò giúp chúng ta “hợp lý hóa” những thất bại, bao che hoặc chối bỏ lỗi lầm của bản thân mình. Nhưng “Ngày xưa có một con bò” giúp mình nhận ra rằng, càng cố “hợp lý hóa” những lời biện minh, chúng ta càng dễ tin tưởng chúng là thật, và kết quả sẽ xảy đến như chính những gì chúng ta tin.
Ví dụ một chút xíu nhé, trước đây mình muốn tập thể dục nhiều hơn, nhưng xung quanh nơi mình ở chẳng có một phòng tập nào cả. “Thôi để chừng nào kiếm được phòng tập gần gần rồi đi” nhưng thời gian cứ thế trôi qua mà mình chẳng bao giờ kiếm được phòng tập nào, thế là tinh thần thể dục thể thao cũng theo gió bay luôn. Sau đó mình mới chợt nhận ra rằng chính lời biện minh kia khiến mình không bao giờ nghĩ đến một hướng giải quyết nào khác, như tự tập ở nhà, đi bộ ở công viên gần đó, hoặc viết ra một danh sách các lợi ích xinh đẹp mà vận động mang lại để tạo động lực bla bla
“Thường xuyên biện bạch cho một lỗi lầm chỉ làm cho lỗi lầm đó thêm trầm trọng hơn.” - Shakespeare
2. Thái độ hạn chế
Nghe có vẻ “đao to búa lớn” thế thôi nhưng vấn đề này cực kì đơn giản ý. Thái độ ở đây chính là những “phản ứng” của chúng mình đối với những sự việc hay biến cố bất thình lình xảy đến. Giả bộ hôm nay đi làm bị sếp la, nếu bi quan, bạn toàn nghĩ đến những lời “sát muối trái tim” mà sếp nói với bạn trong cơn nóng giận, sau đó vẽ ra một nghìn lẻ một lý do chắc sếp có ác cảm với mình rồi, tiếp theo đó hẳn là nghỉ việc này nọ tùm lum linh tinh. Đó, chính thái độ này kéo bạn vào một chuỗi những tuyệt vọng không đáng có. Thử tua lại tình huống một chút, nếu bạn tích cực hơn, bạn sẽ buồn một tẹo, sau đó quyết tâm ngồi xuống “xắn tay áo” tìm ra lỗi sai ở đâu để lần sau không ngu ngốc thêm lần nữa. Thế đó, mọi chuyện vậy là xong xuôi mà kết quả còn tốt đẹp hơn cho tương lai của bạn sau này nữa.
Không chỉ vậy “thái độ hạn chế” mà Camilo Cruz nhắc tới còn là những điều mà chúng ta “không dám thử”, như việc bạn chưa bao giờ chơi bóng rổ nhưng vẫn nghĩ bản thân mình không có chút năng khiếu nào trong lĩnh vực này, hay bạn hơi mũm mĩm chút xíu là do gene di truyền thôi, có cố gắng cũng chẳng thay đổi được gì đâu. Nhưng thực tế thì, bạn chưa thử chơi bóng thì làm sao biết mình chơi tốt hay dở tệ? Hoặc tập thể dục và ăn uống hợp lý thì vóc dáng cũng “ngon lành” lắm chứ nhỉ?
Vậy nên, túm lại là những điều tiêu cực toàn là do chúng mình suy diễn phức tạp quá thôi, thử tập bớt nghĩ ngợi linh tinh lại, “hành động” trước đã rồi tính tiếp nào hihi
3. Con bò mang tên “Triết Gia”
“Vấn đề không phải bạn thắng hay thua, mà là bạn đã thi đấu như thế nào"
Câu nói này nghe có vẻ quen quen, nhỉ? Chúng ta thường dùng câu nói này để trấn an bản thân những lúc căng thẳng, hoặc an ủi ai đó khi sự việc xảy ra không như ý muốn. Nhưng thử phân tích lại một chút, làm sao bạn có thể chơi hết mình nếu cho rằng thắng hay thua cũng như nhau? Nếu chỉ là một trận bóng, một ván cờ hay một trò chơi, chuyện “thua” sẽ chẳng hề gì, nhưng sẽ thật khó chấp nhận nếu chúng ta thất bại trước những mục tiêu, mơ ước và hạnh phúc của chính mình. Vậy nên, đôi khi cũng tùy trường hợp mà câu nói “vấn đề không phải bạn thắng hay thua” mới thực sự phát huy được tác dụng.
Một “con bò” khác mà chúng ta thường hay gặp chính là sự hoàn hảo. “Nếu chuyện đáng làm thì phải làm thật hoàn hảo, còn không thì thôi.” Rất nhiều người trong chúng ta thường nghĩ đến câu nói này trước khi bắt đầu một việc gì đó, kết quả là việc ấy mãi mãi chỉ là ước mơ vì thiên mãi không thời, địa không lợi, nhân không hòa.
Nhìn lại một xíu những gợi ý ở trên, bạn có thấy “con bò” đang kìm hãm bạn “lớn lên”? Nếu vẫn chưa tìm ra, bạn nên tìm đọc cuốn sách này ngay và luôn ý. Còn nếu bạn cảm thấy rõ ràng bạn chẳng có “con bò” nào cả, hmm… biết đâu bản thân bạn chính là một “con bò” (mình đùa đấy hehe). Sau khi đọc xong cuốn sách này, chúng mình hãy thử thành thật với nhau, cùng nhau kiên nhẫn hơn một chút và quả quyết dẹp bỏ hết những “con bò” xung quanh mình thôi nào. Đừng nhân nhượng, đừng mặc cả, cũng đừng thương cảm vì có những “con bò” nhìn thì dễ thương thật ấy nhưng thương thì chẳng dễ chút nào đâu.
Các bạn hãy chia sẻ về những “con bò” của mình bằng cách comment bên dưới nhé.
Chúc bạn sớm tìm ra và chia tay những “con bò” của mình nhé!
Comments