[Book Review] Giới hạn của bạn chỉ là xuất phát điểm của tôi
Sách: Giới hạn của bạn chỉ là xuất phát điểm của tôi
Tác giả: Mèo Maverick
Reviewer: Fos.
June 19, 2019
Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, sảnh D lộng gió
“Muốn thay đổi thế giới, trước tiên cần thay đổi chính mình.”
Mình đọc cuốn sách này trong những ngày đầu tháng 6, đó là những ngày Sài Gòn ngụp lặn trong những trận mưa nắng thất thường. Giữa cái thời tiết ủ dột ấy, tâm trạng mình cũng tựa như đám mây xám xịt trên bầu trời kia. Mới tốt nghiệp, tuổi hai mươi chênh vênh, sự nghiệp vô định, không biết mình muốn gì, cũng không biết con đường tương lai sẽ đi về đâu… Thế rồi tình cờ thấy tác phẩm này trong chồng sách của một người bạn. Ấn tượng đầu tiên khiến mình chú ý là cái tên “Giới hạn của bạn chỉ là xuất phát điểm của tôi”. Nó gợi cho mình sự tò mò. Chúng ta vẫn biết xuất phát điểm của mỗi người không giống nhau, nhưng giới hạn của mình thì có liên quan gì đến người khác? Tiếp đến, bìa sách được thiết kế với một màu đen đơn giản, chính giữa là một người đang chăm chú chơi đàn. Những phím đàn được sắp xếp thành một vòng tròn, không có điểm khởi đầu, cũng không có kết thúc. Chẳng hiểu sao hình ảnh ấy chợt làm mình nhớ đến một câu nói từng đọc được đâu đó trên mạng: “Khi bạn buông lơi, ngoài kia vẫn đang ngàn người cố gắng.” Không đợi thêm một giây chần chừ nào nữa, mình bắt đầu lật giở những trang sách, hứng khởi như bắt đầu cuộc hành trình tìm đến những động lực mới mẻ thúc đẩy bản thân.
Ngay từ những trang đầu tiên, cuốn sách đã khiến mình đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Không có chút thông tin nào về tác giả, cũng không có lời dẫn nhập hay lời bình của một người nổi tiếng nào đó. “Lời nói đầu” đi thẳng vào nội dung, kể lại câu chuyện tác giả – Mèo Maverick đi dạo cùng mẹ đến khu nhà cũ, nơi cô từng sống khi còn là sinh viên. Tại đây, kí ức về những ngày đầy cơ cực, cùng biết bao cố gắng bỗng chốc ùa về. Cách mở đầu câu chuyện của tác giả không hề xa lạ, nhưng lại gợi lên hứng thú khiến người ta không muốn đặt sách xuống. Mình đọc một lèo đến hết nửa cuốn sách mà không đếm xuể số lần phải ngừng lại để “ghi chú” mấy đoạn “tâm đắc”.
Chẳng hiểu sao mình lại có suy nghĩ: “À, cuốn sách này rất hợp với nhiều bạn trẻ Việt đây”. Mèo không đưa ra những lý thuyết sáo rỗng hay hàng trăm, hàng ngàn con số, dữ liệu nghiên cứu. Mèo không thay đổi xoành xoạch các chủ đề, cũng không đưa ra những lời khích lệ động viên tinh thần “ngày mai sẽ tươi sáng hơn”. Mèo chỉ tập trung vào 1 vấn đề duy nhất: kiếm tiền. Nhưng mình rất thích cái cách Mèo “đào bới” thật sâu nhiều khía cạnh của việc kiếm tiền, khiến cuốn sách “tạo động lực” một cách thuyết phục hơn. Không chỉ vậy, vì Mèo là nữ, nên nội dung cũng thiên về phái đẹp nhiều hơn, những câu chuyện dẫn dắt hay lời thủ thỉ khích lệ tinh thần đều muốn nâng cao vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội, ví dụ như:
“Dẫn dắt tinh thần cho bạn, bạn sẽ quên sau một giấc ngủ.
Đưa ra phương pháp luận, bạn nói khó thực hiện, bạn chỉ thích là con sâu ngủ bẩm sinh.
Giới thiệu sách cho bạn, bạn sợ dày không đọc nổi.
Bảo bạn viết văn, bạn nói viết hơn chục lần mà không ai xem thì làm thế nào.
Nói với bạn về một hình mẫu thành công, bạn nói chắc chắn bố mẹ người đó lắm tiền.
Ví dụ thêm về một người chăm chỉ luyện tập, bạn bảo chăm thế không tốt cho sức khỏe, biết đâu lại chết vì lao lực.”
Vậy bạn muốn thế nào?
Bạn có thấy đâu đó hình ảnh của chính mình trong những câu văn trên? Thật ra, ai trong chúng ta cũng mang trong mình ước vọng, ai cũng khao khát thành công, cũng muốn mình trở thành một người thật vĩ đại. Nhưng không phải ai cũng có khả năng biến những mong muốn đó thành sự thật. Tất cả chúng ta, có lẽ chỉ thua nhau bởi một chữ: đợi. Đợi sáng mai thức dậy khỏe mạnh mới tập thể dục, đợi nước đến cổ mới bắt đầu ôn thi, đợi tâm trạng thoải mái mới bắt đầu làm việc, đợi cái này, đợi cái kia, đợi những ngày mai mãi chẳng bao giờ đến… Ở nhiều trang viết, Mèo đưa ra những ví dụ chân thực, đến mức bạn sẽ cảm thấy như một gáo nước lạnh vừa dội xuống đầu mình, hay một cái bạt tai đau điếng khiến bạn bừng tỉnh khỏi cơn mê. “Bạn cho rằng mình không biết gì, nhưng đến khi không còn dựa dẫm được nữa, bạn sẽ biết tất cả mọi thứ.” Bạn vẫn biết trẻ em nước ngoài, đặc biệt là ở các nước châu Âu và châu Mỹ, đến 18 tuổi sẽ bắt đầu cuộc sống tự lập, nhưng ở nước ta thì không? Nếp sống châu Á khiến chúng ta quen thuộc với việc được bố mẹ nuông chiều, dù đã hơn 20 tuổi, không tự lo cho bản thân mình được thì cũng không cần lo lắm, vì có bố mẹ rồi. Nhưng nếu bố mẹ cũng “đá” chúng ta ra khỏi nhà thế kia, chúng ta liệu có còn la ó mình không biết làm cái này, cái kia nữa không, hay toàn bộ thời gian đều tập trung cho việc lo lắng kiếm tiền?
Khi gặp khó khăn hay thất bại, chúng ta luôn cảm thấy bản thân mình đã cố gắng hết sức, hoặc đã đi đến giới hạn cuối cùng rồi. Chỉ khi gặp người giỏi giang hơn, mới giật mình nhận ra giới hạn của bản thân lại mới chỉ là xuất phát điểm của người khác. Có một số người, nhận thức được hiện thực phũ phàng mà cố gắng thay đổi bản thân, ngày ngày rút ngắn khoảng cách với những nhân vật “con nhà người ta”. Lại có những người chỉ thấy khoảnh khắc người khác thành công sáng chói, mà chẳng thèm bận tâm những gian lao khó nhọc phía sau. Bạn có từng nghe ba mẹ nói về một người bạn học thế này “thằng đấy ngày xưa môn toán còn không qua nổi, vậy mà giờ cũng làm được bác sĩ.” Trước đây mình không bận tâm lắm, chỉ cảm thấy mỗi người có một vận mệnh. Bây giờ đọc những trang viết của Mèo, mới chợt nhận ra mọi thứ đều thay đổi. Mọi người chỉ đơn giản là cố gắng nỗ lực tiến về phía trước, chỉ có bản thân mình là “bất biến”. Kiên trì níu giữ bản thân tại một vị trí bất di bất dịch, thật ra đã là một sai lầm to tướng rồi.
“Chúng ta lăn lộn trong xã hội này, có lúc thăng lúc trầm, nên luôn mong muốn có người nào đó vực mình lên. Mỗi ngày chúng ta đều nhìn những tấm gương chăm chỉ miệt mài, hy vọng đó là liều thuốc giúp giữ vững tinh thần bản thân.
Thật ra, nội dung của những câu chuyện tự lực chỉ đơn giản nói về mấy yếu tố: kiên cường, dũng cảm, kiên trì, cần cù, vượt khó… Thứ chúng ta thiếu không phải là những yếu tố tạo nên thành công của người khác, mà là sự thay đổi bản thân: bỏ tính trì hoãn, khắc phục lười biếng, có sự khoan dung và tự tin với chính mình.”
Phần đầu cuốn sách khiến mình không ngớt trầm trồ “đúng quá, hay quá, giống mình quá”. Nhưng càng đọc, mình lại càng nghi ngờ sự đúng đắn về quan điểm của Mèo. Trong cuốn sách “7 thói quen để thành đạt”, Stephen R. Covey xây dựng quan điểm về việc xác định những giá trị mà bản thân bạn muốn nhắm tới. Với một số người, giá trị ấy là thành công trong sự nghiệp, với một số khác lại là tổ ấm hạnh phúc. Thế nên, nếu mỗi người đều có một quy chuẩn khác nhau, thật khó để đánh giá ai hơn ai. So sánh một xíu giữa hai tác phẩm, mình dần nhận ra suy nghĩ “yêu tiền” của Mèo vừa là cái hay, lại vừa không hay. Nếu cứ cố gắng 1000% cho công việc và kiếm tiền, bạn sẽ rất khó để cân bằng những giá trị khác, như sức khỏe, gia đình và bạn bè. Không khó để bạn tìm đọc những bài báo về một ca đột quỵ do làm việc quá sức, hay nhìn thấy những con người đang “chết mòn” nơi đô thị hiện đại. Đồng tiền là điều kiện cần cho nhu cầu cuộc sống, nhưng chưa bao giờ là điều kiện đủ để đảm bảo hạnh phúc. Hơn nữa, việc so sánh bản thân mình với người khác, ở mức độ thông thường là điều dễ chấp nhận, nhưng nếu cứ chăm chăm “anh ta giỏi hơn mình, chị kia đẹp hơn mình, bạn này giàu hơn mình” thì bạn sẽ dễ chạy theo những “cuộc đua” vô nghĩa, chỉ tập trung vào kết quả mà mặc kệ đúng sai. Hay tệ hơn là rơi vào những hố đen tiêu cực, dẫn đến những suy nghĩ lệch lạc, phủ định sạch trơn mọi cố gắng của bản thân.
“Muốn hiểu tác giả Trung Quốc, phải sống trong xã hội đó mới biết được”, một người bạn đã nói với mình câu này khi mình cứ quẩn quanh thắc mắc tại sao Mèo lại biến việc kiếm tiền thành một quan điểm có chút tiêu cực như thế? Tìm hiểu một chút trên mạng, mới biết Mèo Maverick, tên thật là Triệu Tinh - một nữ tác giả truyền cảm hứng khá nổi tiếng ở Trung Quốc. Cô cũng “có tiếng” ở Việt Nam với hai tác phẩm khác “Ở lại thành phố hay về quê”, “Khi tài năng không theo kịp giấc mơ”. Khi đặt cuốn sách vào bối cảnh đất nước đông dân nhất thế giới này, mình mới vỡ lẽ ra những điều còn chưa hiểu. Chúng ta đều biết xã hội Trung Quốc vốn mang nặng tư tưởng “trọng nam, khinh nữ", dù xã hội hiện đại đã mang đến nhiều tiến bộ nhưng đa phần người ta vẫn luôn coi đàn ông là chủ gia đình, còn phụ nữ chỉ là người đứng sau. Vì vậy, để khẳng định vị thế của bản thân, không chỉ trong gia đình mà còn cả ngoài xã hội, người phụ nữ trong xã hội ấy phải không ngừng nỗ lực, không ngừng cố gắng. Nếu đã từng xem các bộ phim thanh xuân của Trung Quốc, bạn chắc hẳn đã thấy hình ảnh những học sinh cày ngày cày đêm, ôn luyện cho kì thi đại học ngay từ những năm cấp 2. Liên tưởng một chút đến khi học xong, tốt nghiệp, có lẽ sẽ dễ hình dung hơn về cuộc tranh đấu khốc liệt để tìm được chỗ làm tốt, công việc tốt. Đặc biệt khi thân phận người phụ nữ còn chưa được đặt đúng vị thế, sẽ càng khó khăn hơn để họ có chỗ đứng trong công việc và xã hội. Vậy nên, khi đọc cuốn sách này, nếu tỉnh táo một chút để chọn lựa những giá trị phù hợp với bản thân, bạn sẽ nhận được nguồn khích lệ tinh thần tuyệt vời.
Mình viết những dòng này khi đang ngồi tại sảnh D trường Nhân Văn, tranh thủ một chút thời gian rảnh rỗi trước lớp học thêm buổi tối, sau một ngày làm việc điên cuồng ở công ty.
“Dốc sức làm việc như vậy, liệu có mệt không? Nói thật, không - mệt - chút - nào!”
Nhờ Mèo mà mình đã hiểu cái cảm giác sống trọn vẹn cho mục tiêu mà mình theo đuổi. Không cần phải nhất nhất làm mọi cách để kiếm tiền, “chỉ cần kiên trì nỗ lực, ngày mai sẽ ngày càng tốt hơn".
“Tôi hy vọng mỗi sáng đánh thức bạn dậy không phải là tiếng chuông đồng hồ mà là khát vọng lớn lao trong tim bạn.” – Mèo Maverick
*Bài review có sử dụng hình ảnh từ facebook Vibook và từ Google.
Sách có thể được tìm thấy tại các nhà sách lớn và các trang đặt sách online.
Mọi bài viết cộng tác xin gửi về email: bw.sharetoreceive@gmail.com
Xem nhiều hơn tại website https://bwsharetoreceive.wixsite.com/bookworm
Hãy cho "Mọt" biết cảm nhận của bạn bằng cách "bình luận" bên dưới nhé.
Comments