Nghiên Cứu Sinh – “Ngôn tình” chốn Khoa học khô khan
Sách: Nghiên Cứu Sinh
Tác giả: Tố Linh
Reviewer: Akin.
“Bạn đã muốn bỏ ngang Ph.D. bao nhiêu lần?”
Dành cho “Les Misérables” – Những người khốn khổ.
Nhắc đến nghiên cứu sinh (NCS), tiến sĩ (Ph.D), chắc hẳn ai cũng liên tưởng đến hình ảnh mấy gã điên điên; khùng khùng mặc áo blouse trắng; sớm tối giảm mình trong phòng Lab; đầu trọc lóc và nhất là nói chuyện … mây mây. Dù thường được gắn cho cái mác “thiên tài – cái gì cũng biết” nhưng thực ra họ cũng chỉ là những con người bình thường, làm công ăn lương và đôi khi “cái gì cũng không biết”. Bản thân mình cũng đang là một NCS, đôi khi cũng không biết trả lời như thế nào khi nhận được câu hỏi “thực tế cậu làm công việc gì?”. Các nghiên cứu của tụi mình thường không mang lại “tính thời sự” như những công việc khác, nhưng chúng góp phần thay đổi cuộc sống của chúng ta trong tương lai: một phương thuốc mới có thể trị bệnh nan y, hệ thống năng lượng tái tạo hiệu suất cao, giao tiếp truyền thông không dây tốc độ cao, hệ thống lái xe tự động v.v
Luyên thuyên hơi nhiều, quay lại chủ đề chính nào.
Quyển “Nghiên Cứu Sinh” của tác giả Tố Linh đến tay mình khá tình cờ trong 1 dịp mình đang cảm thấy “chán việc”. Cảm nhận ban đầu của mình khi đọc quyển “Nghiên cứu sinh” là nó đã mô tả “y xì đúc” hình ảnh cuộc sống hàng ngày của các NCS (trong đó có mình). Không phải là ôn nghèo kể khổ, nhưng việc cắm mặt ở Lab hơn 12 giờ một ngày hay “tăng ca tự nguyện” tối thứ 7 hay Chủ nhật là chuyện như cơm bữa. Không những thế, áp lực công việc và deadline cũng làm cho nhu cầu đi chơi các NCS tiến về Zero. Tuy nhiên, “Nghiên Cứu Sinh” không phải là 1 bộ phim tài liệu mà là 1 tiểu thuyết “diễm tình” mà trong đó, một bánh bèo NCS Việt Nam và 1 soái ca khoa học người Mỹ (hẳn là khoai tây ạ) là nhân vật chính.
Bánh bèo NCS là dân chuyên Tin, nhưng vì cuộc sống đẩy đưa (uh cuộc sống mà) nên lại làm Ph.D. ở 1 lab Hóa Sinh. Một mình nơi đất khách, sốc văn hóa, sốc cả chuyên môn, nhưng Ngân (tên của bánh bèo) vẫn luôn cố gắng phấn đấu với phương châm: “Cần cù bù thông minh”. Ngược lại, Daniel (anh khoai tây) lại là ngôi sao trẻ của ngành, hiện đang làm Postdoc. ở “lab đối thủ” của Ngân. Đôi trẻ vô tình bị cuốn vào mối tình bị ngăn cấm Romeo – Juliet kinh điển khi có quy định bất thành văn là các Lab đối thủ không được có mối quan hệ thân thiết hay trao đổi công việc với nhau. Và rồi cái gì đến cũng đến, “hậu quả” à ờ kết quả của chuyện tình kinh điển là một công trình nghiên cứu khoa học có ý nghĩa lớn cho các bệnh nhân mắc hội chứng Marfan. (Nói sơ qua về hội chứng Marfan, đó là rối loạn di truyền hiếm của mô liên kết có ảnh hưởng đến xương, tim mạch và mắt. Người mắc chứng Marfan thường có khung xương cao gầy, ngón tay dài, nhưng cơ tim có thành phần bất thường và một số biến cố tim mạch có thể xảy ra và bóc tách động mạch là biến chứng nguy hiểm nhất [1]).
Kết thúc của câu chuyện không hẳn là 1 “Happy ending” kiểu ngôn tình mà các chị em vẫn thường mơ mộng (Công chúa và hoàng từ sống hạnh phúc đến suốt đời), tuy nhiên lại là phần mà mình thích nhất ở tác phẩm này. Nó nhắc mình nhớ, vì sao mình bắt đầu theo đuổi con đường cao học. Chẳng phải vì sự nghiệp cống hiến cho nhân loại cao cả, mà thực ra đó là những điều mình mong muốn làm và phù hợp với mình nhất. Mỗi môi trường, công việc đều có mặt trái và mặt phải, con người cũng có người tốt người chưa tốt. Dù cho có gặp trở ngại như thế nào trong tương lai, không được bỏ cuộc và hãy nhớ lại lý do khiến ta bắt đầu.
“Bạn đã muốn bỏ ngang Ph.D. bao nhiêu lần?”
*Đôi điều về tác giả: Tố Linh vốn là học sinh chuyên sinh Trường THPT Hà Nội – Amsterdam, đoạt giải học sinh giỏi Quốc gia, đỗ thủ khoa ngành sinh hóa và giành được học bổng nghiên cứu sinh tại Mỹ. Hiện nay, Tố Linh bén duyên với công việc nghiên cứu khoa học độc lập và viết sách. Chị đặc biệt thích viết những câu chuyện liên quan đến ứng dụng sinh hóa trong đời sống. Thông qua đó, các kiến thức về y-sinh học có thể được phổ cập cho mọi người để mọi người quan tâm hơn đến sức khỏe của mình. [2]
[1] Wikipedia. Hội chứng Marfan. [online] Available at: https://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%99i_ch%E1%BB%A9ng_Marfan
[2] Tuổi Trẻ online. Khi khoa học ngọt hơn tình yêu. [online] Available at: https://tuoitre.vn/khi-khoa-hoc-ngot-hon-tinh-yeu-20180607102153605.htm
*Lưu ý: nếu bạn là dân Y- Sinh, nên đọc phần chú thích ở cuối sách trước để hiểu hơn về tác phẩm. Các chi tiết khoa học trong “Nghiên cứu sinh” đều có thật, nhưng được văn học hóa nên đôi khi các chi tiết nghiên cứu đi hơi nhanh hơn so với thực tế. Tuy nhiên, đây không phải là sách giáo khoa, đây là “Tiểu thuyết”
Akin.
Sách có thể được tìm thấy tại các nhà sách lớn và các trang đặt sách online.
Mọi bài viết cộng tác xin gửi về email: bw.sharetoreceive@gmail.com
Xem nhiều hơn tại website https://bwsharetoreceive.wixsite.com/bookworm
Hãy cho "Mọt" biết cảm nhận của bạn bằng cách "bình luận" bên dưới nhé.
Comments